Năm 2017, Bộ NN&PTNT chọn làm “Năm cao điểm hành động về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”. Với việc tập trung nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, vấn đề ATTP trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có chuyển biến tích cực, góp phần tạo nguồn cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho người dân, thúc đẩy đẩy khẩu.
Vấn đề đảm bảo an toàn nông sản đã có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2017
Theo Bộ NN&PTNT, kết quả giám sát năm qua cho thấy, vấn đề ATTP đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP của các nhóm sản phẩm chủ lực.
Đáng lưu ý, trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ được lấy không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol (năm 2016 vẫn phát hiện 0,44% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol).
Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0.63% (21/3341 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,76). Tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%). Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).
Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (17.303/17.778 cơ sở), tăng so với năm 2016 (91%). Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C (không đạt yêu cầu) được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 48,23%, giảm so với năm 2016 (57%).